• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Văn bản

Chương trình phối hợp Về việc thực hiện thu nộp kinh phí công đoàn

Số hiệu văn bản: 02/CTrPH-LĐLĐ-CT

Ngày ban hành: 05/5/2014

Người đăng: ldldbinhthuan

Ngày đăng: 11/07/2014

File đính kèm: LDLD.pdf

Chi tiết

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH - CỤC THUẾ

TỈNH BÌNH THUẬN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 02/CTrPH-LĐLĐ-CT Bình Thuận, ngày 05 tháng 5 năm 2014

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

Về việc thực hiện thu nộp kinh phí công đoàn

 

- Căn cứ Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI;

- Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết về Tài chính công đoàn;

- Căn cứ Quyết định số 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn;

- Căn cứ Quyết định số 271/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn;

Để tăng cường phối hợp thực hiện việc thu, trích nộp kinh phí công đoàn. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Thuận thống nhất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phối hợp với những nội dung quan hệ công tác như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Liên đoàn Lao động tỉnh và Cục Thuế tỉnh Bình Thuận hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012; Quyết định số 108/QĐ-BTC ngày 14/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh và Cục Thuế tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn đôn đốc thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn của các đơn vị, doanh nghiệp mà không phân biệt đơn vị, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, cụ thể như sau:     

a/ Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo chương trình phối hợp

- Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

- Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

- Tổ chức, đơn vị có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

b/ Mức và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

c/ Phương thức đóng kinh phí công đoàn

Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

d/ Nguồn đóng kinh phí công đoàn

- Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

- Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

 

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh

- Triển khai đến các cấp công đoàn Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012; Quyết định số 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn.

- Hướng dẫn các cấp công đoàn giám sát, đôn đốc Thủ trưởng đơn vị đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, kịp thời đúng theo quy định.

- Chỉ đạo Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn cấp ngành phối hợp với Chi cục Thuế địa phương xác định những đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn để theo dõi đôn đốc thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn theo quy định.

- Ban Tài chính Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn cấp ngành có trách nhiệm kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Đối với Cục Thuế tỉnh

- Có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn cấp ngành xác định số tiền lương làm căn cứ đóng kinh phí công đoàn và đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, kịp thời về công đoàn cấp trên theo quy định.

- Thông qua công tác kiểm tra thuế tại các tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn xác định số kinh phí công đoàn phải nộp và đôn đốc đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, kịp thời về  công đoàn cấp trên theo quy định.

 

III. KHEN THƯỞNG

Căn cứ Quyết định số 271/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn, tỷ lệ trích thưởng phối hợp thu kinh phí công đoàn là 7% / tổng số tiền đã thu và được phân phối như sau :

          - Cơ quan thuế :  5%

          - Cơ quan công đoàn :  2%

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố cùng Liên đoàn Lao động  cấp huyện, Công đoàn cấp ngành xây dựng chương trình phối hợp thực hiện thu nộp kinh phí công đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc địa bàn quản lý đóng kinh phí công đoàn đúng quy định.

- Giao Ban Tài chính Liên đoàn Lao động tỉnh và các Phòng Kiểm tra thuộc Cục Thuế tỉnh trực tiếp theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

- Phối hợp tổ chức một số cuộc họp để bàn bạc biện pháp tổ chức thực hiện việc thu, trích nộp kinh phí công đoàn đạt kết quả tốt.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp kể từ ngày ký. Sáu tháng, năm có sơ kết rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo thực hiện tiếp theo.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì lãnh đạo hai bên xem xét và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

CỤC TRƯỞNG

CỤC THUẾ TỈNH BÌNH THUẬN

 

 

 

 

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Nguyễn Văn Tài

Lê Thị Bạch Phượng

 

Nơi nhận:

- TLĐLĐ VN (b/c);

- Tổng cục Thuế ( b/c );

- Tỉnh ủy (b/c);

- Ban Dân vận Tỉnh ủy (b/c);

- Ủy ban nhân dân tỉnh ;

- BTV LĐLĐ tỉnh, Ban lãnh đạo Cục Thuế;

- Các LĐLĐ cấp huyện,CĐ cấp ngành;

- Các Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố;

- Các phòng, ban trực thuộc LĐLĐ tỉnh và Cục Thuế tỉnh;

- Lưu: VP, Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh

và phòng HCQT Cục Thuế tỉnh.

Văn bản cùng thể loại

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top